Việt Nam là thị trường nhập khẩu viên nén gỗ quan trọng của Hàn Quốc
Hàn Quốc tự hào là một trong những
nước sở hữu công nghệ năng lượng sinh khối tiên tiến, thế nhưng quốc gia này phải
nhập khẩu tới 3,78 triệu tấn viên nén trong năm 2022, chiếm 84% trong tổng sử dụng
viên nén của Hàn Quốc. Trong đó. nguồn viên nén nhập khẩu từ Việt Nam lên đến
2,2 triệu tấn…
Nhà máy
nhiệt điện sinh khối PoSeung tại Kyonggi-Do, Hàn Quốc. Ảnh: Chu Khôi.
Trao đổi với đoàn Việt Nam tham gia chương trình tham quan học tập và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển năng lượng sinh học tại Hàn Quốc, Tiến sĩ Lee Soo Min - Chuyên gia Nghiên cứu cao cấp, Ban Vật liệu công nghiệp rừng của Viện Khoa học Lâm nghiệp Quốc gia Hàn Quốc cho biết nước này đang thực thi chuyển đổi năng lượng nhằm thực thi cam kết giảm phát thải khí carbonic.
Hàn Quốc
hiện là quốc gia đứng thứ 9 thế giới về lượng phát thải khí nhà kính, với tổng
lượng khí thải trong năm 2020 lên tới 656,2 triệu tấn CO2, giảm 6,4% so với năm
2019. Trong đó phát thải của ngành năng lượng chiếm tới 86,8% trong tổng phát
thải khí nhà kính của Hàn Quốc.
HÀN QUỐC
NHẬP KHẨU 80% VIÊN NÉN TỪ VIỆT NAM
Trong
cơ cấu sản phẩm điện của Hàn Quốc năm 2018: nhiệt điện than chiếm tới 41,9%
trong tổng lượng điện của quốc gia; điện hạt nhân chiếm 23,4%; điện từ khí hóa
lỏng chiếm 26,8%; điện năng lượng tái tạo chiếm 6,2%, còn lại 1,7% là các loại
điện khác.
Trong
Quy hoạch điện 10 của Hàn Quốc, đề ra mục tiêu đến năm 2030: điện hạt nhân chiếm
34%; nhiệt điện than 0% (chấm dứt nhiệt điện than); điện từ năng lượng tái tạo
chiếm 21,6%, điện Hydro chiếm 2,1%, các loại điện khác chiếm 1,3%.
Hàn Quốc
đã đưa ra đạo luật thúc đẩy phát triển và sử dụng rộng rãi năng lượng tái tạo,
gồm: năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng nước, năng lượng biển, địa
nhiệt, năng lượng sinh học.
Theo
TS. Lee Soo Min, hiện năng lượng sinh khối chiếm chưa tới 1,5% trong tổng sản
lượng điện của Hàn Quốc. Điện sinh khối tại Hàn Quốc chủ yếu là nhiệt điện sử dụng
nguyên liệu viên nén để đốt cháy và tạo nhiệt phát điện. Tuy chiếm tỷ trọng rất
nhỏ, nhưng công suất phát điện sử dụng viên nén tại Hàn Quốc đã tăng rất nhanh
trong những năm gần đây.
Đề cập
cung cầu sử dụng viên nén tại Hàn Quốc, TS Lee Soo Min cho hay năm 2022, quy mô
thị trường viên nén gỗ trong nước sẽ là 4,5 triệu tấn (bao gồm cả nhập khẩu và
tự sản xuất). Trong đó sản xuất trong nước mới đáp ứng được 15,8% nhu cầu viên
nén của các nhà máy điện tại Hàn Quốc.
Hàn Quốc
hiện có khoảng 20 cơ sở sản xuất viên nén, hầu hết trong số đó là quy mô nhỏ
(dưới 10.000 tấn/năm) và chỉ có 3 cơ sở lớn, tổng năng lực sản xuất ước tính
khoảng 1 triệu tấn/năm. Ngoài ra 2 nhà máy sản xuất viên nén gỗ sử dụng sinh khối
rừng trồng nhưng chưa đi vào hoạt động, công suất thiết kế 300.000 tấn/năm.
Cùng với
chính sách mở rộng nguồn cung năng lượng tái tạo, quy mô thị trường nhiên liệu
sinh học của Hàn Quốc tiếp tục tăng trưởng. Nhập khẩu viên nén gỗ năm 2022 là
3,78 triệu tấn, tăng 600.000 tấn so với 2021.
CẦN HỢP
TÁC KIỂM SOÁT CHUỖI SẢN XUẤT VIÊN NÉN
Lý giải
việc Hàn Quốc lệ thuộc vào nguồn viên nén nhập khẩu từ Việt Nam, TS Lee Soo Min
cho biết diện tích lãnh thổ của Hàn Quốc là 10 triệu ha, trong đó diện tích rừng
6,3 triệu ha, lượng gỗ thô sản xuất 4,3 triệu tấn/năm. Trong khi Việt Nam có diện
tich đất tự nhiên 33,8 triệu ha, trong đó có 14,8 triệu ha rừng, sản lượng gỗ
thô thu hoạch hàng năm lên đến 30- 57,3 triệu m3.
Các khu
rừng của Hàn Quốc bị tàn phá bởi thời kỳ thuộc địa Nhật Bản, sự phân chia của Bắc
và Nam Triều Tiên, của chiến tranh Triều Tiên, đã tăng 28 lần thông qua các hoạt
động trồng rừng và bảo vệ rừng quy mô lớn những năm 1970-1980. Sinh khối gỗ
tăng trưởng ròng đã tăng lên đáng kể giai đoạn đó, nhưng lại suy giảm kể từ năm
2008. Hiện sản lượng gỗ thu hoạch hàng năm của Hàn Quốc chỉ bằng 1/10 so với sản
lượng gỗ của Việt Nam.
Đoàn
công tác về năng lượng sinh học cùa Việt Nam đến làm việc tại nhà máy nhiệt điện
sinh khối PoSeung tại Kyonggi-Do, Hàn Quốc. Ảnh: Chu Khôi.
Hàn Quốc
tự hào là một trong những nước sở hữu công nghệ năng lượng sinh khối tiên tiến,
thế nhưng lại thiếu trầm trọng nguyên liệu gỗ để sản xuất viên nén. Theo các
chuyên gia Hàn Quốc, thị trường năng lượng tái tạo của Hàn Quốc, bao gồm cả
viên nén gỗ, được thúc đẩy bởi các chính sách của chính phủ. Trong kế hoạch điện
lần thứ 10 giai đoạn 2022 – 2036, chính phủ Hàn Quốc xác định viên nén gỗ sẽ
chiếm 57,64% trong tổng năng lượng sinh học.
Dự báo
nhu cầu viên nén gỗ của Hàn Quốc trong năm 2023 là 5 triệu tấn, trong đó sản xuất
trong nước là 743 nghìn tấn, nhập khẩu 4,17 triệu tấn.
Hiện
các nhà máy nhiệt điện than tại Hàn Quốc đang sản xuất ra gần 40% trong tổng sản
lượng điện quốc gia, và sử dụng tổng khối lượng than 100 triệu tấn mỗi năm. Kế
hoạch của Chính phủ Hàn Quốc đề ra đến năm 2030 sẽ chấm dứt nhiệt điện than.
Câu hỏi
đặt ra là các nhà máy nhiệt điện than sẽ phải chuyển đổi như thế nào? Đây là
bài toán rất khó đối với Hàn Quốc bởi sẽ có những nhà máy nhiệt điện than thay
đổi công nghệ, chuyển đổi thiết bị để chuyển sang sử dụng viên nén.
Giả dụ,
nếu tất cả các nhà máy nhiệt điện than tại Hàn Quốc chuyển đổi thành nhiệt điện
viên nén, thì nhu cầu viên nén sẽ là con số khổng lồ - vài trăm triệu tấn mỗi
năm.
“Nhưng
tôi nghĩ, sẽ không thể thay thế hết nhiệt điện than sang nhiệt điện viên nén, sẽ
chỉ một phần nhỏ (cố gắng lắm thì 10%) chuyển đổi được theo hướng này. Còn lại
các nhà máy khác sẽ buộc phải giải tán. Nhưng chúng tôi cho rằng cam kết của Tổng
thống Hàn Quốc đến năm 2050 sẽ trung hòa được carbon là rất khó khả thi. Và kế
hoạch chấm dứt nhiệt điện than vào năm 2030 cũng sẽ khó thực hiện được”, TS Lee
Soo Min nhận định.
Trong
tương lai, Hàn Quốc sẽ càng tăng nhập khẩu viên nén từ Việt Nam. Tuy nhiên, đã
có nhiều người ở Hàn Quốc tỏ ra lo ngại rằng sản xuất viên nén tại Việt Nam
cũng như các quốc gia Đông Nam Á khác có nguy cơ thiếu bền vững, sử dụng nhiều
gỗ thịt thay vì sử dụng phụ phẩm của ngành chế biến gỗ, dẫn đến cạnh tranh
nguyên liệu với ngành sản xuất đồ gỗ.
Trước
những lo ngại thiếu tính bền vững khi phát triển điện viên nén, TS. Lee Soo Min
đề xuất Việt Nam và Hàn Quốc cần hợp tác để thực thi hàng loạt giải pháp như:
liên kết chính sách sinh khối rừng với việc thúc đẩy tài nguyên rừng bền vững;
thiết lập hệ thống quản trị bao gồm trung hòa carbon, ESG và minh bạch thị trường;
tăng cường hệ thống xúc tiến thương mại gỗ hợp pháp.
“Việt
Nam là nước xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ lớn, cần có một chiến lược trung và
dài hạn. Hàn Quốc sẽ cùng Việt Nam xây dựng mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có
lợi về nguồn lực và công nghệ trong lĩnh vực lâm nghiệp”, ông Lee hy vọng.
Nguồn:
vneconomy